Nghị định 103/2021/NĐ-CP, "liều thuốc" giúp thị trường ô tô vượt khó

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 có nhiều triển vọng tăng trưởng sau khi trải qua năm 2021 với nhiều biến động. Sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều tỉnh, thành phố, cùng sự khởi phát của ô tô điện phần nào tác động đến thị hiếu, lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 12,9% và chỉ số sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 6,8% so với năm 2020.

Năm 2022: Thị trường ô tô trong nước nhiều khả năng tăng trưởng mạnh
Lắp ráp ô tô Ford tại Hải Dương. Ảnh: Khánh Vân

Trong đó, sản xuất một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tăng trưởng khá so với năm 2020 như: Thiết bị khác dùng cho động cơ của xe có động cơ tăng 15,44%; cao su tổng hợp và các chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc tấm lá hoặc dải tăng 14,09%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 4,65%. Ngược lại, sản xuất phụ tùng khác của xe có động cơ đạt giảm 2,75%.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô. Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - một trong những thị trường ô tô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động.

Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu hụt chip kéo dài, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Bên cạnh đó, sức mua sụt giảm đặc biệt trong tháng 6 đến tháng 9/2021 kéo doanh số bán ô tô tại Việt Nam giảm kỷ lục. Ngoài ra, các hãng xe lớn mất thị phần do cạnh tranh khốc liệt từ Vinfast và xe Trung Quốc.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành ô tô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.

Theo đó, Nghị định 103/2021/NĐ-CP được ban hành, có hiệu lực ngay từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 quy định tính lệ phí trước bạ lần đầu với xe ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm trở lại đây, Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Trước đó, từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cũng đã được áp dụng, giúp thị trường ô tô Việt Nam có bước hồi phục mạnh mẽ.

Nhu cầu ô tô dự tích tăng 16%

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, bỏ qua những bất ổn trong ngắn hạn, triển vọng 2022 có thể tươi sáng hơn với khả năng phục hồi tương đối chắc chắn.

Hiện tại, triển vọng ngắn hạn của các công ty ô tô vẫn còn chưa ổn định do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vắc-xin mũi 2 tính đến cuối năm 2021 và các biến thể Covid-19 mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khỏe hơn, ước tính tác động từ việc giãn cách xã hội sẽ ít nghiêm trọng hơn năm 2021.

Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi doanh số bán ra trong tháng 2/2002 đạt 22.802 xe các loại, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% so với cùng kỳ trong 2022. Cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của Vinfast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.

Vinfast gần đây đã công bố sẽ dừng dần hoạt động sản xuất xe xăng đến cuối năm nay để tập trung vào xe điện. Hiện tại, xe xăng của Vinfast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, do đó tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu. Ngoài ra, do Vinfast là một trong những công ty có khả năng cạnh tranh cao về giá, việc thương hiệu này rời thị trường có thể giúp giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác.

Trong 2021, Vinfast ra mắt mẫu xe điện e34 đầu tiên được lắp ráp trong nước và bắt đầu đầu tư mạnh vào trạm sạc điện với ước tính khoảng 2.000 trạm sạc điện (40.000 điểm sạc) trên khắp Việt Nam. Điều này mở ra xu hướng xe điện mới tại Việt Nam có thể thay đổi đáng kể thị trường ô tô trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng và nhiều ưu đãi từ Chính phủ ở thời điểm hiện tại.

Sau khi dần mở cửa trở lại trong nửa cuối 2022, doanh số bán xe sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn. Nhìn chung, ngành ô tô Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Đặc biệt, lợi nhuận ngành hồi phục sau 2 năm ảm đạm có thể hỗ trợ tâm lý thị trường mạnh mẽ./.